Quán ăn đêm bản nhật

      49

Lưu ý: Phim có trên Netflix, xem các phần “Quán ăn đêm – Loạt phim” trước rồi mới xem tới “Quán ăn đêm – Tokyo Stories” sau. Phần 1 làm năm 2009 vẫn là phần tinh tuý nhất, gợi nên cái hồn phố phường Shinjuku về đêm nhất.

Bạn đang xem: Quán ăn đêm bản nhật

ĐIỀU GÌ LÀM NÊN SỨC HẤP DẪN KÉO DÀI SUỐT 10 NĂM CỦA “SHINYA SHOKUDO – QUÁN ĂN ĐÊM”?

Trong thế giới phim ảnh Nhật Bản, không phải không có những thương hiệu kéo dài trong nhiều năm, nhưng điều gì đã giúp một bộ phim chiếu giờ khuya và không chứa các nội dung gay cấn như “Quán ăn đêm” níu kéo sự yêu mến của khán giả lâu đến như thế?

“Quán ăn đêm” lần đầu được chuyển thể từ manga cùng tên vào năm 2009, đã trở thành một series với 5 phần phim truyền hình và 2 phần phim điện ảnh. Sau khi phần 4 của phim được sản xuất bởi Netflix Japan và được trình chiếu với khán giả quốc tế, “Quán ăn đêm” đã trở thành “kho báu ẩn giấu” của khán giả Netflix trên toàn thế giới, dẫn đến phần 5 của phim tiếp tục được sản xuất 3 năm sau đó, đánh dấu kỉ niệm 10 năm lần đầu phim ra mắt khán giả.

Nội dung của “Quán ăn đêm” sau 5 phần phim vẫn luôn đơn giản như cách bài trí và hoạt động của quán: Một quán ăn chỉ mở từ 12h khuya đến 7h sáng, thực đơn chỉ có bốn món đơn giản nhưng ông chủ – hay được thực khách gọi là Master – sẵn sàng làm bất cứ món ăn nào bạn yêu cầu, chỉ cần ông có đủ nguyên liệu. Mỗi một tập phim là một câu chuyện gắn với một món ăn được thực khách yêu cầu. Có thể là một món ăn kỉ niệm tuổi thơ, cũng có thể là một món ăn kết nối duyên nợ. 50 tập phim của 5 phần phim là 50 câu chuyện khác nhau, của cả khách quen lẫn lạ.

Nếu chỉ nói về “Quán ăn đêm” là nơi đem đến những lát cắt cuộc sống của con người Nhật Bản hiện đại hoặc là nơi khoả lấp nỗi cô đơn thì có lẽ đó chỉ là một đánh giá có phần hời hợt. Được liệt vào phân khúc 18+ vì các yếu tố bạo lực tình dục và khoả thân, “Quán ăn đêm” tinh tế cài cắm các vấn đề sâu và đen tối hơn các bộ phim thể loại “slice of life” thường thấy, mà trong đó hậu bối “Izakaya Bottakuri” (Quán rượu Chém đẹp) là một ví dụ điển hình.

Khi một quán ăn nằm ngay trung tâm Shinjuku chỉ mở vào khung giờ từ nửa đêm đến sáng, chúng ta có thể đoán trước được thực khách ở đây sẽ không chỉ thuần là những con người bình thường làm các công việc bình thường. Khách quen của quán có tay yakuza Ryu, một ông “bóng” Kosuzu là chủ một quán bar đồng tính gần đó, có cô vũ nữ thoát y Marilyn, hay bộ ba Chị em Ochazuke. Tầm nhìn của “Quán ăn đêm” đã được thể hiện từ sự tương phản rằng chính phong cách giản dị đã làm nên sự đặc biệt của quán, và sự giản dị này dường như được Master tạo nên để nói với thực khách rằng ở đây, ông chào đón tất cả. Ở quán của Master, mọi thân phận và định kiến được gỡ bỏ.

Xem thêm: Cho Thuê Vinhomes Smart City (11/2021), Redirect To Http://Www

Đó là nơi một ông “bóng” có thể chia sẻ phần trứng cuộn của mình với một dân anh chị, gói bên trong lớp trứng ngọt là chút tương tư không cần phải tỏ bày. Đó là nơi các bà cô chưa chồng thoải mái ngồi bàn luận về những chàng trai trong mơ, thoát khỏi áp lực và định kiến của xã hội. Đó cũng là nơi lưu giữ lại một mối tình dang dở của một anh sinh viên nghèo và một ngôi sao mới nổi. Hay là nơi một nam minh tinh phim khiêu dâm được chia sẻ nỗi hối hận về mối quan hệ với mẹ của mình, những nỗi lòng chỉ có đàn ông mới hiểu được cho nhau.

Được sản xuất vào những năm điện thoại thông minh vẫn còn chưa phải là một điều thông thường hằng ngày, “Quán ăn đêm” mạnh dạn đề cập đến các vấn đề đồng tính, mại dâm, đồng thời cũng chia sẻ quan điểm cởi mở về những định kiến của xã hội đang áp đặt lên từng con người đến với quán ăn đặc biệt này. Như cái cách mà cô vũ nữ thoát y Marilyn đã cùng người thầy giáo trung học của mình ăn lại món cơm nắm trộn mơ muối, kể về những tháng ngày bị bạn bè cùng lớp tẩy chay vì “làm đĩ”, chỉ có thầy là quan tâm đến mình bằng món cơm nắm mơ muối. Trên tất cả những “nỗi cô đơn” “câu chuyện cuộc sống” đậm tính khuôn mẫu mà người ta hay nghĩ về thể loại phim “slice of life”, “Quán ăn đêm” đề cập đến những chủ đề “nặng kí” thông qua hình thức kể chuyện “nhẹ như lông hồng”, để truyền tải một thông điệp tưởng chừng như đơn giản nhưng lại khó thực hiện: Hãy chào đón mọi câu chuyện bằng tình yêu thương và sự cảm thông thuần tuý.

Nếu hỏi rằng điều gì đã đem lại sức hấp dẫn cho “Quán ăn đêm” trong suốt 10 năm qua, thì có lẽ đó là sự tương phản trong mọi yếu tố mà bộ phim đem lại. Câu chuyện đơn giản của những con người có quá khứ phức tạp lại khiến khán giả – những người bình thường – có thể liên hệ với nỗi lòng của chính mình. Đoạn dạo đầu của phim luôn là cảnh đường phố Tokyo trong một ngày bình thường, nơi bất cứ ai từng sống ở thành phố sầm uất nhất Nhật Bản cũng đã từng lướt qua, mang lại cảm giác rằng liệu có một ngày nào đó, quá nửa đêm, mình cũng sẽ đặt chân vào một quán ăn sơ sài và nhâm nhi một món ăn tầm thường. Nhưng khi rời đi, chúng ta không chỉ đem về một cái bụng thoả mãn mà còn mang theo cảm giác được chấp nhận toàn bộ con người một cách trọn vẹn và thuần tuý nhất.

Và đó là cái cách “Quán ăn đêm” vượt ra khỏi hình thức một bộ phim truyền hình mà thực sự trở thành một quán ăn “kho báu bí mật” trong lòng mỗi khán giả.